Trang web chính thức của HIỆP HỘI DU LỊCH HẢI PHÒNG
Hòn Dấu – Vùng non xanh biển biếc

Tin tức du lịch

Hòn Dấu – Vùng non xanh biển biếc

(TITC) - Theo con tàu lướt nhẹ trên mặt nước, xuất phát từ bến Nghiêng lịch sử - nơi tên thực dân Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống thực dân pháp thế kỷ trước, chỉ mất khoảng hơn 15 phút là du khách đã đặt chân đến đảo Hòn Dấu.
17/01/2025 Trung tâm Thông tin du lịch 112 Lượt xem
(TITC) - Theo con tàu lướt nhẹ trên mặt nước, xuất phát từ bến Nghiêng lịch sử - nơi tên thực dân Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống thực dân pháp thế kỷ trước, chỉ mất khoảng hơn 15 phút là du khách đã đặt chân đến đảo Hòn Dấu.

Du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp màu xanh ngút ngát của núi rừng hoang sơ và mặt biển trải rộng mênh mông như không bao giờ đi đến điểm cuối. Chẳng còn cảnh tấp nập, xô bồ nữa, không gian nơi đây trong lành, tĩnh lặng, tiếng sóng vỗ nhẹ dưới chân, tiếng lá cây xào xạc trên cao khiến du khách cảm thấy mọi lo toan thường nhật chợt tan biến, lòng trở nên nhẹ bẫng và khoan khoái vô cùng. Xung quanh đảo là những bãi đá có hình thù ngộ nghĩnh, được tạo nên bởi tác động của sóng biển trong hành trình thời gian bất tận… Chẳng thế mà, từ xa xưa đảo Hòn Dấu đã được ví là viên ngọc, và Đồ Sơn có hình dáng như đầu rồng luôn chầu về viên ngọc quý. 

Đảo Hòn Dấu còn lôi cuốn du khách bởi truyền thuyết về sự linh thiêng của ngôi đền Nam Hải. Một trong những “cảnh báo” đầu tiên du khách được nghe khi đặt chân đến chốn này, đó là “đừng bẻ cành, ngắt lá, chặt cây trên đảo nếu không muốn bị thần đảo trừng phạt”; vì lẽ đó cây cối trên đảo Hòn Dấu xanh tốt quanh năm. Du khách chắc hẳn muốn tìm ngay lời giải đáp về vị thần đảo? Truyền thuyết kể rằng: một lần, người dân thấy một tử thi không đầu trôi vào đảo, nhìn quần áo của Ngài biết là tướng nhà Trần vừa trải qua trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, nhân dân liền lập đền thờ. Đền nổi tiếng linh thiêng, ngày trước mỗi lần dong thuyền đi qua dân chài thường ghé vào đảo thắp hương cầu khấn. Có lần thuyền rồng của vua Tự Ðức đi qua nơi này gặp gió to, sóng dữ, nhà vua vội lên đền khấn xin một lúc thì thấy trời quang mây tạnh, từ đó phong cho vị thần là Nam Hải thần vương. Hằng năm, từ ngày 8 - 10/2 âm lịch, nơi này lại tưng bừng không khí lễ hội, ngư dân khắp nơi tụ hội về đây cầu xin Nam Hải thần vương phù hộ cho một năm đi biển bội thu và yên lành. 

Để lên đến đảo Hòn Dấu, du khách phải đi xuyên qua một khu rừng. Rừng nguyên sinh trên đảo là thế giới của trăm nghìn loài thực vật, tạo nên một không gian xanh ngắt, hoang vu, mang đến cho du khách cảm giác khám phá thích thú. Đây là khu rừng đa nguyên sinh thuần nhất, nơi vẫn còn giữ nguyên vẹn cả ba tầng thực vật với rất nhiều những tán cây cổ thụ, dây leo, chùm rễ cây đan xen chằng chịt. 

Được mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc, ngọn Hải Đăng là công trình kỳ vĩ được người Pháp xây dựng từ năm 1892 - 1896, chính thức hoạt động từ tháng 6/1898, đến nay đã trên trăm tuổi. Năm 1955, sau khi giải phóng Hải Phòng, bộ đội Việt Nam tiếp quản ngọn hải đăng này. Đứng trên ngọn hải đăng nhìn ra xa, du khách sẽ thấy biển Đồ Sơn hiện lên với núi non thấp thoáng, những con tàu lớn đang trôi trên mặt biển… quả đúng là bức tranh phong cảnh non xanh biển biếc hữu tình. 

Không chỉ thế, đảo Hòn Dấu còn là quê hương của bến K15 - điểm đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển, nơi xuất phát con tàu không số đầu tiên vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam; di tích khu 3 - nơi Trung ương Đảng họp và ra nghị quyết TW 15 về Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… Năm 2009, đảo Hòn Dấu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. 

Liên hệ quảng cáo