Điều 1. Tên và pháp nhân của Hiệp hội
1. Hội lấy tên là “Hiệp hội Du lịch Hải Phòng” Tên giao dịch: Hai Phong Tourism Association (Viết tắt là: HPTA).
2. Hiệp hội Du lịch Hải Phòng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản để hoạt động.
3. Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại số 35 Trần Khánh Dư, Q. Ngô Quyền, Hải Phòng. Logo của Hiệp hội do Ban Chấp hành quyết định.
Điều 2. Tôn chỉ mục đích của Hiệp hội
Hiệp hội Du lịch Hải Phòng là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực du lịch và những lĩnh vực khác có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Mục đích của Hiệp hội là tập hợp, liên kết các doanh nghiệp để hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh, bình ổn thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh giữa các hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên theo quy định của pháp luật, góp phần xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Điều 3. Phạm vi hoạt động của Hiệp hội
Hiệp hội Du lịch Hải Phòng hoạt động trong phạm vi thành phố Hải Phòng, theo pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ này. Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chịu sự quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng.
Điều 4. Nhiệm vụ của Hiệp hội
a) Nhiệm vụ chung:
1. Hiệp hội hoạt động theo Điều lệ đã được ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt và theo các quy định của pháp luật.
2. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán thống kê. Lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
4. Lập hồ sơ lưu giữ các chứng từ tài chính, danh sách hội viên và biên bản Nghị quyết các cuộc họp của hội.
5. Hàng năm, gửi báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của hội đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cơ quan quản lý lĩnh vực hoạt động và báo cáo công khai trong hội.
b) Nhiệm vụ cụ thể:
1. Tuyên truyền, giáo dục cho hội viên về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của Tổng cục Du lịch và của thành phố về xây dựng, phát triển du lịch Việt Nam, du lịch Hải Phòng.
2. Đại diện cho hội viên đóng góp ý kiến với Nhà nước, với thành phố về những chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch; bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và hội viên; đề xuất biện pháp thúc đẩy sự phát triển và tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch Hải Phòng; giải quyết các tranh chấp giữa các hội viên theo quy định của Hiệp hội.
3. Động viên sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo của các hội viên; hợp tác, giúp đỡ nhau trong hoạt động kinh doanh du lịch trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hỗ trợ trong công tác đào tạo nâng cao trình độ quản lý, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp thành viên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong khó khăn.
4. Hỗ trợ tư vấn và làm dịch vụ cho các tổ chức và hội viên của Hiệp hội tổ chức kinh doanh đạt hiệu quả và phát triển bền vững.
5. Phối hợp với các tổ chức liên quan nhằm thực hiện tôn chỉ mục đích của Hiệp hội.
Điều 5. Quyền hạn của Hiệp hội
1. Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, khuyến khích hợp tác; liên kết giữa các hội viên để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch; tư vấn, cung cấp thông tin liên quan đến du lịch cho các hội viên.
2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ trong công tác đào tạo, dịch vụ, tư vấn và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật; thiết lập và phát triển mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp thành viên trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và các bên đều có lợi.
3. Tập hợp, nghiên cứu và tham khảoý kiến của các hội viên để phản ánh, đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến sản xuất, hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp.
4. Tổ chức tham quan du lịch, khảo sát, xúc tiến du lịch tìm hiểu thị trường trong nước và quốc tế; tổ chức tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp thành viên thao quy định của pháp luật.
5. Phát triển hội viên, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng và phát triển các mối quan hệ của Hiệp hội với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, uy tín và vị thế của Hiệp hội.
6. Được gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của các hội viên. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
7. Tuyên truyền, quảng bá du lịch, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành Du lịch về xây dựng, phát triển du lịch; phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
8. Thực hiện các quyền hạn khác của tổ chức Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hội viên
1. Hội viên chính thức
Các tổ chức và cá nhân có hoạt động kinh doanh hợp pháp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch, các tổ chức kinh tế, các cơ sở đào tạo có liên quan đến hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng nếu tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện có đơn gia nhập Hiệp hội, có thể được Hiệp hội kết nạp hoặc công nhận là hội viên chính thức của Hiệp hội. Người đại diện cho hội viên phải là người có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm về sự đại diện đó. Trường hợp ủy quyền làm đại diện thì người được ủy quyền phải có đủ thẩm quyền và chịu trách nhiệm và sự đại diện đó.
2. Hội viên liên kết
Các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh du lịch tại Hải Phòng, có sự đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện có đơn xin gia nhập Hiệp hội, đóng lệ phí gia nhập Hiệp hội và hội phí thì đều có trở thành hội viên liên kết của Hiệp hội.
3. Hội viên danh dự
Những công dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, kỹ thuật và tổ chức pháp nhân có uy tín, nhiệt tình, có khả năng giúp đỡ, xây dựng phát triển ngành du lịch Hải Phòng và Hiệp hội được Ban Chấp hành Hiệp hội mời là Hội viên danh dự.
Hội viên danh dự và Hội viên liên kết được tham gia các hoạt động và tham dự Đại hội của Hiệp hội, nhưng không tham gia bầu cử và ứng cử Ban Lãnh đạo Hiệp hội.
Điều 7. Thủ tục gia nhập Hiệp hội
Hồ sơ gồm có:
- Đơn xin gia nhập Hiệp hội (theo mẫu)
- Bản sao quyết định thành lập, bản sao giấy phép kinh doanh
Ban Chấp hành ra thông báo công nhận hội viên sau 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định của Điều lệ này.
Điều 8. Quyền lợi của hội viên
1. Được tham gia Đại hội, được bầu cử hoặc ứng cử vào các chức danh lãnh đạo Hiệp hội (trừ hội viên danh dự và hội viên liên kết).
2. Được thảo luận, biểu quyết, chất vấn mọi công việc của Hiệp hội; được kiến nghị, đề đạt ý kiến của mình với các cơ quan nhà nước thông qua Hiệp hội.
3. Được ứng cử, đề cử và bầu cử Ban Chấp hành Hiệp hội và các chức vụ khác Hiệp hội.
4. Được Hiệp hội phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nghề nghiệp bằng các hình thức: cung cấp thông tin, tài liệu, dự hội thảo, các lớp đào tạo, huấn luyện, tham quan khảo sát ở trong và ngoài nước.
5. Được Hiệp hội giúp đỡ, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi, quyền hạn và khả năng của Hiệp hội.
6. Được Hiệp hội giúp đỡ, giới thiệu với các cơ sở trong và ngoài ngành để ký kết và thực hiện các hợp đồng dịch vụ, chuyên gia kỹ thuật, tư vấn.
7. Được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp trong hoạt động kinh doanh.
8. Được quyền ra khỏi Hiệp hội.
Điều 9. Nghĩa vụ của hội viên
1. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại Điều lệ của Hiệp hội, thực hiện nghị quyết của Hiệp hội, tuyên truyền phát triển hội viên mới. Bảo vệ uy tín của Hiệp hội, không tự ý nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ đối ngoại khi chưa được tổ chức có thẩm quyền của Hiệp hội giao.
2. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hiệp hội, đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng tổ chức Hiệp hội ngày càng vững mạnh.
3. Cung cấp thông tin, số liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động của Hiệp hội.
4. Đóng đầy đủ lệ phí gia nhập, hội phí và các khoản theo quy định của Hiệp hội.
5. Hội viên phải thông báo bằng văn bản cho Ban Chấp hành Hiệp hội khi có sự thay đổi người đại diện của doanh nghiệp hoặc tổ chức mình.
6. Trường hợp người được cử tham gia Hiệp hội nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, thì hội viên và tổ chức phải cử người đại diện có thẩm quyền thay thế.
7. Hội viên liên kết và hội viên danh dự không phải đóng hội phí, chỉ đóng lệ phí gia nhập Hiệp hội.
Điều 10. Chấm dứt quyền Hội viên
1. Hội viên xin ra khỏi Hiệp hội, phải có đơn gửi cho Ban Chấp hành Hiệp hội.
2. Hội viên bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hiệp hội.
3. Hội viên bị xóa tên khi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đình chỉ hoạt động kinh doanh, giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản. Trường hợp bị đình chỉ tạm thời hoạt động kinh doanh thì quyền của hội viên chỉ tiếp tục khi được phép hoạt động kinh doanh trở lại.
Ban Chấp hành Hiệp hội thông báo danh sách hội viên xin rút khỏi Hiệp hội, hội viên bị khai trừ và hội viên bị xóa tên cho tất cả các hội viên khác biết.
4. Quyền và nghĩa vụ của hội viên bị chấm dứt ngay sau khi Ban Chấp hành Hiệp hội ra thông báo.
Hội viên khi bị chấm dứt quyền hội viên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong thời gian còn tham gia là hội viên.
Điều 11. Tổ chức Hiệp hội
1, Đại hội toàn thể hội viên
2. Ban Chấp hành
3. Ban Kiểm soát
4. Văn phòng và các Ban chuyên môn
5. Các chi hội và các tổ chức khác thuộc hội
Điều 12. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hiệp hội
Hiệp hội Du lịch Hải Phòng được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí và theo Điều lệ Hiệp hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13. Đại hội toàn thể và Hội nghị toàn thể hội viên
1. Đại hội toàn thể hội viên là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hiệp hội. Đại hội có nhiệm kỳ là 5 năm.
Nhiệm vụ của Đại hội:
- Thảo luận các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng hoạt động mới của Hiệp hội;
- Quyết định phương hướng và chương trình công tác của Hiệp hội;
- Kiến nghị sửa đổi và bổ sung Điều lệ Hiệp hội (nếu có);
- Thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của Hiệp hội.
- Thảo luận và thông qua quyết toán tài chính khóa cũ và kế hoạch tài chính khóa mới;
- Quyết định số lượng Phó Chủ tịch và số lượng ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội;
+ Bầu Ban Chấp hành Hiệp hội;
+ Bầu Ban Kiểm soát Hiệp hội.
2. Hội nghị toàn thể hội viên tổ chức 1 năm 1 lần để:
- Thảo luận báo cáo tổng kết một năm và kế hoạch công tác năm sau của Hiệp hội.
- Thông qua quyết toán tài chính hàng năm và kế hoạch tài chính năm tới.
- Thảo luận và biểu quyết các vấn đề do Ban Chấp hành, Ban Kiểm soát hoặc hội viên đề xuất.
- Bầu bổ sung ủy viên Ban Kiểm soát (nếu thiếu).
- Hội nghị toàn toàn thể có thể được triệu tập bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hiệp hội theo đề nghị của ít nhất 2/3 ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội trở lên, hoặc trên 1/2 số hội viên yêu cầu.
3. Các Nghị quyết của Đại hội, Hội nghị, được thông qua theo nguyên tắc đa số.
4. Đại hội, Hội nghị là hợp lệ khi tỷ lệ hội viên tham gia từ 50% trở lên.
Điều 14. Ban Chấp hành Hiệp hội
1. Ban Chấp hành Hiệp hội là cơ quan lãnh đạo của Hiệp hội giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hiệp hội là 5 năm.
Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội do Đại hội quyết định, được bầu trực tiếp bằng phiếu kín hoặc biểu quyết giơ tay và phải đạt trên 50% số đại biểu dự đại hội nhất trí.
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội có thể được bầu lại hoặc bị miễn nhiệm trước thời hạn khi có hơn 1/2 số hội viên chính thức biểu quyết tán thành.
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội là đại biểu tổ chức pháp nhân khi về hưu hoặc chuyển công tác khác sẽ được thay thế bằng một người khác của tổ chức pháp nhân đó.
2. Ban Chấp hành Hiệp hội họp thường kỳ ít nhất 2 lần trong một năm. Ban Chấp hành Hiệp hội cử Ban Thường trực gồm: Chủ tịch Hiệp hội, các Phó Chủ tịch Hiệp hội và Tổng Thư ký Hiệp hội.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Hiệp hội:
- Quyết định các biện pháp thực hiện nghị Quyết, chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Đại hội.
- Quyết định chương trình kế hoạch công tác hàng năm và thông báo kết quả hoạt động của Ban Chấp hành Hiệp hội cho các hội viên.
- Phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hàng năm.
- Qui định tổ chức và hoạt động các Ban chuyên môn, Văn phòng Hiệp hội, qui định các nguyên tắc, chế độ, sử dụng và quản lý tài sản, tài chính của Hiệp hội.
- Phân công nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách giữa các ủy viên Ban Chấp hành.
- Bầu cử và bãi miễn chức danh lãnh đạo của Hiệp hội: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Kiểm soát.
- Thông qua nội dung, chương trình nghị sự và tài liệu trình Đại hội, Hội nghị toàn thể hội viên.
- Quyết định triệu tập Đại hội nhiệm kỳ hoặc Hội nghị toàn thể hàng năm.
- Xét kết nạp hoặc khai trừ hội viên.
Điều 15. Thường trực Hiệp hội gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký
1. Nhiệm vụ của Ban Thường trực
- Điều hành công việc thường trực của Hiệp hội.
- Theo dõi, đôn đốc thực hiện Nghị quyết của Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội, Hội nghị thường niên hàng năm của Hiệp hội và Ban Chấp hành.
- Giữ mối quan hệ chặt chẽ với các hội viên, các thành viên trong Ban Chấp hành.
- Thay mặt Hiệp hội và Ban Chấp hành giao tiếp đối nội và đối ngoại.
- Đảm nhiệm công tác nghiệp vụ, hành chính, quản trị tài chính của Hiệp hội.
Ban Thường trực họp 3 tháng một lần hoặc tổ chức họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Hiệp hội. Giúp việc cho Ban Thường trực là Thư ký do Tổng thư ký phụ trách.
2. Chủ tịch Hiệp hội
- Là đại diện của Hiệp hội theo pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trước Ban Chấp hành Hiệp hội và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hiệp hội. Là chủ tài khoản của Hiệp hội.
Nhiệm vụ của Chủ tịch Hiệp hội:
- Quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động của Hiệp hội, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, Hội nghị toàn thể hội viên và các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành Hiệp hội.
- Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành Hiệp hội, Hội nghị toàn thể hoặc đại biểu hội viên.
- Trực tiếp chỉ đạo Tổng thư ký Hiệp hội.
- Phê duyệt nhân sự Văn phòng Hiệp hội và các tổ chức khác do Hiệp hội thành lập.
3. Các Phó Chủ tịch Hiệp hội
- Là người giúp Chủ tịch Hiệp hội điều hành công việc của Ban Chấp hành Hiệp hội khi được Chủ tịch Hiệp hội ủy quyền. Số lượng Phó Chủ tịch do Đại hội quyết định.
4. Tổng Thư ký Hiệp hội
- Là người điều hành trực tiếp mọi hoạt động của Văn phòng Hiệp hội, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hiệp hội, trước Ban Chấp hành Hiệp hội và trước pháp luật về mọi hoạt động của Văn phòng Hiệp hội.
Nhiệm vụ của Tổng thư ký:
- Xây dựng quy chế hoạt động của Văn phòng Hiệp hội, quy chế quản lý tài chính, tài sản của Hiệp hội trình Ban Chấp hành Hiệp hội phê duyệt.
- Định kỳ báo cáo cho Ban Chấp hành Hiệp hội về các hoạt động của Hiệp hội và của Văn phòng Hiệp hội.
- Lập báo cáo hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, hàng năm, báo cáo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hiệp hội và gửi báo cáo tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định (ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng; Sở Nội vụ; Sở Du lịch Hải Phòng; Hiệp hội Du lịch Việt Nam).
- Quản lý danh sách, hồ sơ và tài liệu của các hội viên và các tổ chức trực thuộc Hiệp hội.
- Chuẩn bị các cuộc họp của Ban Chấp hành Hiệp hội, các Hội nghị, Hội thảo do Hiệp hội tổ chức và tổ chức triển khai các hoạt động khác theo Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành Hiệp hội.
- Thực hiện các công việc do Chủ tịch Hiệp hội ủy quyền.
5. Chủ tịch Danh dự Hiệp hội
Suy tôn một số đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố hoặc lãnh đạo Hiệp hội Du lịch nhiệm kỳ trước làm Chủ tich danh dự của Hiệp hội Du lịch tại Đại hội nhiệm kỳ của Hiệp hội.
Điều 16. Văn phòng Hiệp hội
- Văn phòng Hiệp hội được tổ chức và hoạt động theo Quy chế do Tổng Thư ký trình Ban Chấp hành Hiệp hội phê duyệt.
- Các nhân viên của Văn phòng Hiệp hội được tuyển dụng và làm việc theo chế độ hợp đồng được quy định theo Luật lao động.
- Kinh phí hoạt động của Văn phòng do Tổng thư ký dự trù trình Ban Chấp hành Hiệp hội duyệt.
Điều 17. Ban Kiểm soát
Trưởng Ban Kiểm soát do Ban Chấp hành Hiệp hội bầu ra trong số các ủy viên Ban Chấp hành. Ban Kiểm soát có từ 3 đến 5 thành viên. Ban Kiểm soát có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành.
Ban Kiểm soát Hiệp hội có các nhiệm vụ:
1. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành điều lệ, quy chế hoạt động và các Nghị quyết của Hiệp hội đối với toàn thể hội viên và lãnh đạo Hiệp hội.
2. Giám sát việc quản lý tài chính của Hiệp hội.
3. Làm rõ các nguyên nhân vi phạm điều lệ của hội viên, đề xuất các biện pháp xử lý để Ban Chấp hành xem xét quyết định.
4. Báo cáo kết quả hoạt động kiểm tra trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Hiệp hội.
5. Có quyền yêu cầu Ban Chấp hành Hiệp hội tổ chức phiên họp bất thường hoặc tổ chức Hội nghị bất thường để giải quyết những vấn đề cấp bách của Hiệp hội.
Điều 18. Chi hội và các tổ chức khác thuộc Hiệp hội mỗi năm một lần tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên để bầu Chi hội trưởng hoặc lãnh đạo và đánh giá tình hình hoạt động, thông qua quyết toán tài chính năm trước và kế hoạch tài chính năm tới để báo cáo Hiệp hội theo quy định.
Điều 19. Nguồn thu của Hiệp hội
1. Lệ phí gia nhập Hiệp hội.
2. Hội phí.
3. Tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
4. Các khoản thu hợp pháp khác.
Điều 20. Các khoản chi của Hiệp hội
Chi cho mọi hoạt động của Hiệp hội. Việc quản lý, sử dụng tài chính của hội theo quy định của Hiệp hội và phù hợp với các quy định quản lý tài chính của pháp luật hiện hành.
Điều 21. Quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hiệp hội
1. Ban Chấp hành Hiệp hội quy định việc quản lý, sử dụng tài chính và tài sản của Hiệp hội phù hợp với quy định của Nhà nước.
2. Ban Kiểm soát có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo tài chính, tài sản công khai hàng năm cho hội viên.
Điều 22. Khen thưởng
Những hội viên, ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội, Ban Kiểm tra, cán bộ, nhân viên của Hiệp hội có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội và sự phát triển nghành Du lịch thành phố được Hiệp hội khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan Nhà nước thẩm quyền khen thưởng. 10
Điều 23. Xử lý vi phạm
Hội viên của Hiệp hội hoạt động trái với Điều lệ, Nghị quyết của Hiệp hội và pháp luật, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hiệp hội, bỏ sinh hoạt thường kỳ nhiều lần không có lý do chính đáng, không đóng hội phí một năm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phê bình, khiển trách, cảnh cáo, xóa tên trong danh sách Hiệp hội.
Điều 24. Hiệp hội tự giải thể hoặc bị giải thể trong các trường hợp vi phạm được quy định tại điều 25 và điều 28 của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội. Việc giải quyết tài sản tài chính của Hiệp hội khi giải thể được thực hiện theo điều 30 của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 của Chính phủ quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội.
Điều 25. Chỉ có Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội Du lịch Hải Phòng mới có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ này và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 26. Điều lệ này gồm 08 chương, 26 điều đã được Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội Du lịch Hải Phòng thông qua ngày 2023 tháng 02 năm 2023 và có hiệu lực thi hành sau khi được Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng phê duyệt./.
HIỆP HỘI DU LỊCH HẢI PHÒNG
Hãy đăng ký để tìm hiểu về cơ hội cho doanh nghiệp của bạn, cũng như những sản phẩm du lịch và điểm đến mới nhất trong bản tin của chúng tôi và nhiều hơn nữa.